Dưỡng lão Việt Nam

Chia sẻ kiến thức về lĩnh vực dưỡng lão

September 23, 2019 By Nguyên Hà

Có một thanh xuân mang tên Diên Hồng

“60 chưa phải là già

60 là tuổi mới qua dậy thì

65 hết tuổi thiếu nhi

70 là tuổi mới đi vào đời

75 là tuổi ăn chơi

80 là tuổi yêu người, yêu hoa”

Những câu thơ đó tôi đã từng nghe rất nhiều đâu đó, nhưng chưa bao giờ hiểu hết ý nghĩa cho tới giờ này, ngay tại Diên Hồng thân yêu, nghe thấy các cụ đang cùng đọc cho nhau nghe và cười đùa vui vẻ, bất chợt trong giây phút ấy chẳng ai còn thấy mình đang ở cái tuổi xế chiều, khoảnh khắc đó khiến lòng tôi lắng xuống và dường như đã ngộ ra ý nghĩa sâu thẳm trong các câu thơ mà mình vừa nghe.

Người ta nói “Đời người 2 lần trẻ con” thực chẳng sai. Có sống, gắn bó với các cụ bấy lâu mới thấy thật thấm câu nói đó. Các cụ ở Diên Hồng người vài ba năm, người vài tháng nhưng sự thật thì ai cũng có một quá khứ hào hùng, một ngày xưa oanh liệt. Qua những lời tâm sự của các cụ hằng ngày, qua những lời kể, lời nói chuyện của con cháu mỗi khi tới thăm mà chúng tôi hiểu được. Cụ ông móm mém, tay run ngồi cạnh tôi đây cũng một thời đánh Đông dẹp Bắc, cụ bà, cụ ông đang lẫn lộn, chân ko đi lại được kia cũng một thời là ông nọ bà kia, điều đó khiến tôi ngưỡng mộ, trân trọng và yêu quý vô cùng. Nhưng thời gian tàn khốc đã biến người hùng một thời, chiến sĩ quả cảm chưa từng khuất phục trước bất kỳ tên giặc xâm lăng nào trở thành 1 “đứa trẻ” đúng nghĩa. Khi mà từ việc nhỏ nhất như tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, tự uống nước cũng ko làm được, cũng cần tới bàn tay của các điều dưỡng chúng tôi, dẫu biết đó là quy luật của tạo hoá mà trong lòng vẫn gợn buồn man mác. Và dẫu biết có vậy thì các cụ mới cần tới bàn tay chăm sóc của chúng tôi – những điều dưỡng viên tận tâm, nhiệt tình và trách nhiệm, những con người làm công việc chăm sóc người già bằng cả trái tim và tuổi trẻ.

Sau gần 5 năm gắn bó, cùng ăn, cùng chơi, cùng vui cùng buồn với các cụ có cảm giác nào, có cảm xúc nào mà tôi chưa từng trải qua. Tất cả đều in sâu trong tâm trí, như một phần của tuổi trẻ, để mỗi khi có cơ hội là nhớ lại, là lại kể cho nhau nghe.

Đau đớn nhất là cảm giác bất lực khi chứng kiến một cụ bà, người mà tôi yêu mến, quý trọng ra đi theo Lệnh của Diêm vương vì tuổi cao sức yếu, cũng biết Sinh, Ly, Tử, Biệt là quy luật bất biến của tạo hoá, nhưng sao vẫn thấy đau xót như mất đi chính người thân của mình vậy.

Cảm giác phấn khích đến tột cùng khi chăm sóc cho một cụ bà từ khi ăn sonde, nằm liệt và tiến bộ từng ngày từng ngày, sau đó cụ đi lại được, ăn được cơm, sống khoẻ sống tốt như có 1 phép màu vô hình nào đó. Đó cũng là câu chuyện chúng tôi truyền tai nhau và còn nhắc mãi tới về sau. Nhiều người vẫn hay hỏi trong cuộc sống này có cái gọi là “phép màu” không? Với tôi “phép màu” chính là sự cố gắng không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, là niềm tin về điều tốt đẹp mà cả chúng tôi và bản thân của cụ tạo ra. Và tất cả được đền đáp bằng 1 thân thể khoẻ mạnh, tự đi lại được, tự ăn tự uống, tự làm điều mình thích.

Thật tuyệt vời phải không ạ.

Và cảm xúc bất ngờ, hoan hỷ khi nghe 1 cụ báo tin cháu đích tôn của cụ đã đỗ vào 1 trường đại học danh tiếng. Hay cảm xúc bị trùng xuống khi nghe 1 cụ buồn bã tâm sự là cụ nhớ con, nhớ cháu, tuần này con cụ bận quá không vào thăm cụ đc.

Rồi cảm xúc vừa hân hoan, vừa lo lắng khi có đôi cụ sống cô đơn bấy lâu nay, giờ trót dành tình cảm cho nhau rồi cũng có ghen tuông, hờn giận.

Tất cả đã trở thành một phần cuộc sống của tôi.

Thanh xuân của các bạn là gì? Còn thanh xuân của tôi gói gọn trong tiếng “Ông ơi, ông à. Bà ơi, bà ạ. . .”.  Và việc ở bên chăm sóc các cụ Diên Hồng ở cái tuổi xế chiều chính là 1 phần thanh xuân mà tôi muốn có, muốn gắn bó và lưu giữ.

 

 

 

 

Filed Under: Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi

August 29, 2019 By Nguyên Hà

Người thầy không đứng trên bục giảng

Ông Trần Yến Khách, năm nay trên 80 tuổi, thôn Vân Thạch, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành (Quảng Nam) đã từng dạy học cho nhiều người. Ông như một người bạn tâm giao không những ở lớp học di động mà đối với mọi người trong thôn, xóm ai cũng mến mộ, quí trọng.

Ông Trần Yến Khách đang ghi lịch hội nghị NCT ở xã

 

Ông Trần Yến Khách nhớ lại: “Những năm 1945-1947, khi nước nhà được độc lập, 90% nhân dân bị mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi thi đua ái quốc. Người đã chỉ rõ: “Mục đích của thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”! Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, Ủy ban Hành chánh kháng chiến xã Tam Hiệp, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành) kêu gọi những học sinh mới rời ghế nhà trường có trình độ văn hóa ra làm giáo viên, tham gia phong trào “Diệt giặc dốt”!. Lúc bấy giờ, tôi vừa học đến lớp 5, rồi hăng hái tham gia nhận dạy lớp 1, lớp 2 cho con em học sinh trong xã. Lớp học được tổ chức trong nhà dân, hoặc đình, chùa. Bàn ghế của thầy và trò là những tấm ván của gia đình của nhân dân cho mượn, ghép lại kê thành ghế ngồi học. Chính quyền địa phương vận động nhân dân đóng góp công lao động và vật liệu để làm trường mới. Nói là trường nhưng chỉ là một cái trại đơn sơ, vách làm bằng nan tre, mái lợp tranh. Người dạy tự soạn bài (gọi là giáo án), vở soạn trên giấy đủ loại, mực hòa nước lạnh trong một cái lọ nhỏ. Ngoài việc dạy cho học sinh học, tôi cùng người bạn trong xã còn phụ trách dạy nhóm “Bình dân học vụ” ban đêm và cả buổi trưa cho cán bộ và người lớn tuổi, nhằm xóa 95% dân số không biết chữ  “… Ghé đầu lên tấm bảng chung/Phơ phơ tóc bạc bạn cùng tóc xanh/Này em, này chị, này anh/Sát vai mà học, rách lành sao đâu? (thơ Tố Hữu)”!.

Lịch sử đã ghi rõ: Sau khi giành được độc lập, trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, coi đó là nhiệm vụ cấp bách thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Hồ Chủ tịch nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và nhấn mạnh “Dốt là dại, dại thì hèn. Vì vậy, không chịu dại, không chịu hèn, cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân ở một nước dân chủ”!. Lúc này, phong trào học tập của học sinh cũng như các lớp “Bình dân học vụ” rất say mê học chữ từ đồng bằng đến miền núi với mọi lứa tuổi; lực lượng trí thức tình nguyện tham gia dạy học cho nhân dân, công nhân học trong xưởng thợ, thương binh học ở trại an dưỡng, ngư dân học ngay trên thuyền chài, nông dân học trên cánh đồng, sân đình chùa, gốc đa, bến nước… Người dân ban ngày đi làm, ban đêm thắp đèn dầu, đốt đuốc đi kiếm cái chữ. Người dạy (Giáo viên) như tôi, dạy cho nhóm bình dân học vụ thuộc đủ các giới, đủ lứa tuổi; đặc biệt “Thầy” dạy không lương, không có bục giảng như ngày nay. Nói là Thầy nhưng không qua trường sư phạm; có lớp giao cho người trong nhà dạy lẫn nhau, chồng dạy vợ, con dạy mẹ, anh chị dạy em! Cách dạy cũng được cải biên cho phù hợp với tình hình dân trí lúc bấy giờ, đó là đọc lên thành thành câu thơ lục bát cho dễ nhớ, ví dụ: “I, tờ ( i, t) giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, tờ dài có ngang/O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu”…

Thầy Khách nhớ lại “Khi mới giải phóng, sau năm 1975, tôi tiếp tục nhận dạy kèm cho một số cán bộ và người dân trong thôn. Đặc biệt, có một người theo đạo Tin Lành, tên là Lê Từ, khi đi giảng đạo thường ghé đến nhà nhờ tôi giải một số bài toán khó lớp 7, 8. Thời gian sau, ông Lê Từ lên chức Mục sư phụ trách Nhà thờ khu vực miền Trung, mỗi lần ông đến thăm tôi đều gọi tôi bằng thầy”!.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Trần Yến Khách là một công dân mẫu mực của địa phương, một người tận tụy với công việc ruộng đồng và tham gia phong trào Hợp tác xã Nông nghiệp. Đến nay, dù tuổi cao nhưng thầy Khách hàng tuần vẫn chăm chỉ đi sinh hoạt ở Hội NCT địa phương và tham gia hoạt động từ thiện, cứu trợ nhân đạo… Sau nhiều năm thầm lặng, ông Khách không nhớ mình đã truyền dạy văn, toán cho bao nhiêu người học, trong đó có cán bộ, nhân viên. Giờ đây, rất nhiều bức thư, những cuộc gọi điện đến thăm thầy, bày tỏ niềm cảm kích với thái độ “Tôn sư trọng đạo”. Không đứng trên bục giảng nhưng thầy Khách là người lái đò trên dòng sông tri thức. Ông được nhiều thế hệ học trò mến mộ và rất trân quí,người dân và Hội NCT ở địa phương nhận xét: “Ông Yến Khách là người thầy tuổi cao, là một người thân thiết của các hội viên cao tuổi cũng như các em học sinh”!.

Được biết, ông Trần Yến Khách được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích hoạt động cách mạng, được UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen về thành tích thi đua yêu nước và đã nhận Kỷ niệm chương của Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Theo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.

 

 

 

Filed Under: Tinh thần

January 4, 2018 By Mai Vũ

Bổ sung vitamin D và canxi có thực sự làm giảm nguy cơ gãy xương ở người già?

Canxi và Vitamin D vốn được coi là dưỡng chất giúp xương chắc khỏe và làm giảm nguy cơ gãy xương ở người già. Thế nhưng, theo phân tích mới đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, việc bổ sung canxi và vitamin D có thể không thực sự làm giảm nguy cơ gãy xương ở những người lớn tuổi.

51.145 người cùng tham gia 33 thử nghiệm lâm sàng. Sau một thời gian thử nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng: những người thường xuyên sử dụng canxi, vitamin D và những người không bổ sung Vitamin D, canxi hầu như không có sự khác biệt quá lớn về nguy cơ gãy xương đùi.

Canxi và Vitamin D có thực sự làm giảm nguy cơ gãy xương?
Canxi và Vitamin D có thực sự làm giảm nguy cơ gãy xương?

51.145 người tham gia thử nghiệm đều trên 50 tuổi, chưa từng bị bệnh loãng xương và đều không sống trong viện dưỡng lão. Từ kết quả thử nghiệm, các nhà nghiên cứu cho biết rằng không có mối liên hệ nào giữa nguy cơ gãy xương và việc bổ sung canxi cũng như vitamin D được tìm thấy. Kết quả này nhất quán, không phụ thuộc vào liều lượng canxi hay vitamin trong cơ thể. Hay nói cách khác, cơ thể người cao tuổi bổ sung nhiều canxi, vitamin D cũng không làm giảm nhiều nguy cơ gãy xương ở người cao tuổi.

Tập thể dục giúp người già khỏe mạnh hơn
Tập thể dục giúp người già khỏe mạnh hơn

Vì vậy, đối với người già, gia đình cần chăm sóc hết sức thận trọng, tránh bị ngã. Ngoài ra, việc duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày cũng giúp xương chắc khỏe hơn.

Filed Under: Sức khoẻ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • Next Page »

Recent Posts

  • Có một thanh xuân mang tên Diên Hồng
  • Người thầy không đứng trên bục giảng
  • Bổ sung vitamin D và canxi có thực sự làm giảm nguy cơ gãy xương ở người già?
  • Không nên tẩm bổ quá nhiều cho người già
  • Khủng hoảng tâm lý người già

Archives

  • September 2019
  • August 2019
  • January 2018
  • December 2017
  • April 2017
  • February 2017
  • January 2017
  • December 2016
  • August 2016

Categories

  • Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi
  • Sức khoẻ
  • Tinh thần
  • Uncategorized

Meta

  • Log in
  • Entries RSS
  • Comments RSS
  • WordPress.org

Copyright © 2021 · WordPress · Log in